banne_logo_chuan_le_van_thiem
fcbk youtube googlepluscircleiconpng twitter

VAI TRÒ CỦA MÔN TIẾNG ANH - GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DẠY VÀ HỌC BỘ MÔN TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Tại Hội nghị sơ kết học kỳ I năm học 2023-2024, cô giáo Nguyễn Phương Thảo - Giáo viên môn Tiếng Anh đại diện cho tổ Ngoại Ngữ chia sẻ với các thầy cô tham luận với chủ đề "Vai trò môn tiếng Anh và Giải pháp nâng cao chất lượng dạy - học của bộ môn trong tình hình mới"

Chiều 29-11-2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Theo đó, phương án được chốt là 2+2, gồm hai môn bắt buộc là toán và ngữ văn và hai môn tự chọn nằm trong số các môn học lớp 12 của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Môn Tiếng Anh trở thành môn thi tự chọn. Vậy với phương án thi tốt nghiệp này, việc dạy và học Tiếng Anh của giáo viên và học sinh có bị ảnh hưởng gì không? Chất lượng đào tạo bộ môn của bậc THPT có vì thế mà đi xuống? … Đó là hai câu hỏi trong số rất nhiều những băn khoăn khác đặt ra cho nhiều trường phổ thông trong thành phố nói chung và THPT Lê Văn Thiêm nói riêng.

tam-quan-trong-cua-ta-768x480

VAI TRÒ CỦA MÔN TIẾNG ANH TRONG TÌNH HÌNH MỚI

1. Việc dạy và học môn tiếng Anh

Việc TA trở thành một trong số các môn thi tự chọn, không bắt buộc trong kì thi THPT Quốc gia sẽ đem đến những thay đổi như thế nào trong việc dạy và học của bộ môn?

 Việc lựa chọn môn thi, Bộ GD&ĐT đã cân nhắc kỹ lưỡng trên cơ sở phân tích Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đặc thù môn học, kinh nghiệm quốc tế và tình hình thực tiễn trong nước.

Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định ngoại ngữ là môn học quan trọng, có tính bắt buộc ở các bậc học. Ở bậc tiểu học, THCS, THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ngoại ngữ là môn học bắt buộc với mọi học sinh từ lớp 3 cho đến lớp 12.

Ở bậc học cao đẳng, đại học, ngoại ngữ cũng là môn học duy nhất tiếp tục được quy định một cách bắt buộc (quyết định 1982/QĐ-TTg 2016 phê duyệt Khung trình độ quốc gia Việt Nam) về chuẩn đầu ra (bậc 2 với trình độ cao đẳng, bậc 3 với trình độ đại học theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam).

Như vậy, dù không thi bắt buộc với mọi học sinh ở kỳ thi THPT nhưng ngoại ngữ vẫn là môn học bắt buộc với mọi học sinh từ lớp 3 đến hết các bậc học cao đẳng, đại học (nếu các em học tiếp sau THPT).

Môn ngoại ngữ giống như các môn học khác đều có đánh giá bằng điểm số trong quá trình dạy học. Kết quả học tập môn ngoại ngữ ở các bậc học này có ý nghĩa quan trọng ngay trong quá trình học tập mà không phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Một ngoại ngữ bất kỳ đều có bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Với đặc điểm của kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay là làm bài thi trên giấy nên với môn ngoại ngữ chỉ đánh giá được kỹ năng đọc. Do vậy, việc đánh giá năng lực ngoại ngữ theo quá trình (đầy đủ bốn kỹ năng) phù hợp hơn so với đánh giá tổng kết (chỉ một kỹ năng đọc ở kỳ thi tốt nghiệp THPT).

Các cơ sở giáo dục phải thực hiện đầy đủ khối lượng học tập của từng môn học đã được quy định trong thông tư 32/2018-TT-BGDĐT được sửa đổi bởi thông tư 13/2022-TT-BGDĐT. Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện đúng và đủ sẽ đảm bảo yêu cầu này. Như vậy, số lượng tiết học trong phân phối chương trình của môn TA vẫn không thay đổi.

Mặc dù phương án thi 2+2 chỉ thi bốn môn, nhưng việc xét tốt nghiệp yêu cầu phải có kết quả học tập của tất cả các môn học qua việc đánh giá quá trình. Hiện nay, tỉ lệ điểm thi tốt nghiệp và điểm quá trình là 7/3 (điểm thi chiếm 70%, điểm đánh giá kết quả học tập của học sinh ở lớp 12 là 30%).

Vấn đề này Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng có tăng hay không tỉ lệ điểm quá trình cũng như ngưỡng điểm trung bình của đánh giá quá trình mỗi môn học như điều kiện để được thi tốt nghiệp. Như vậy, để tốt nghiệp được, học sinh vẫn cần phải nỗ lực trong suốt quá trình học THPT

learn-english-home-fast

2. Xu hướng xét tuyển đại học và ngành nghề trong tương lai

2.1. Những phương thức xét tuyển đại học và ngành nghề hiện tại

- Phương thức xét tuyển ĐH bằng điểm thi tốt nghiệp THPT

- Phương thức xét tuyển ĐH bằng học bạ

- Phương thức xét tuyển ĐH bằng Bài thi đánh giá năng lực.

- Xét tuyển thẳng, xét tuyển ưu tiên.

- Xét tuyển học lực kết hợp với phỏng vấn

- Xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp THPT

- Phương thức xét tuyển ĐH dựa theo kết quả các kì thi quốc tế.

- Phương thức xét tuyển ĐH kết hợp kết quả thi THPT, học bạ và môn năng khiếu.

2.2. Xu hướng xét tuyển đại học và ngành nghề trong tương lai

Hiện tại, xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT không phải là phương án duy nhất để xét tuyển đại học. Nhiều trường top đầu tự xét tuyển qua bài thi đánh giá năng lực, phỏng vấn, chứng chỉ … Kì thi tốt nghiệp gần như là thứ yếu đối với nhiều trường top. Vậy xu hướng xét tuyển đại học và ngành nghề trong tương lai sẽ phát triển theo hướng này? Sau đây là một số dự đoán về xu hướng xét tuyển đại học và ngành nghề trong tương lai.

- Xét tuyển ĐH bằng Bài thi đánh giá năng lực

Nhiều trường ĐH sẽ có các bài thi riêng về đánh giá năng lực thí sinh, cụ thể như: kì thi đánh giá năng lực (ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Quốc gia Hà Nội); kì thi đánh giá tư duy của trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, kì thi đánh giá năng lực chuyên biệt của ĐHSP TPHCM.

Kì thi đánh giá năng lực của trường ĐH Quốc gia HN được tổ chức hàng năm, với mục tiêu không chỉ tuyển sinh vào các khoa của trường ĐHQG HN mà còn là căn cứ để nhiều trường ĐH khác lấy kết quả đánh giá năng lực mở rộng tuyển sinh của mình. Cụ thể, danh sách một số trường XT bằng bài thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN đó là: Ngoại Thương, Kinh tế quốc dân, Thương mại, Giao thông vận tải

Kết quả kì thi đánh giá năng lực ĐHQG TPHCM làm căn cứ để XT thí sinh vào một số trường ĐH ở phía nam: ĐH Bách Khoa, ĐH KHTN, ĐH KHXH & NV, ĐH Kinh tế …

- Xét tuyển học lực kết hợp phỏng vấn

Đây là hình thức XT các thí sinh có học lực khá, giỏi, đủ điều kiện tham gia thêm buổi phỏng vấn của trường tổ chức. Hiện nay, một số trường kết hợp phương thức XT này đó là: ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐHBK – ĐH QG HCM, ĐH Khoa học và Công nghệ HN, ĐH Ngân hàng HCM

- Xét tuyển kếp hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp THPT

Với các thí sinh có chứng chỉ quốc tế như IELTS, TOEIC, TOEFL, … và điểm TN đạt yêu cầu của trường, sẽ đồng thời XT theo diện kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi TN. Một số trường ĐH sử dụng phương thức XT chứng chỉ QT này là: ĐH Ngoại Thương, ĐH Bách khoa HN, ĐH Thương Mại, ĐH Công nghiệp HN, ĐH Kinh tế quốc dân.

Như vậy, xu hướng xét tuyển này đòi hỏi học sinh phải luôn nỗ lực trong suốt quá trình học THPT đối với các môn KHTN, KHXH nói chung và bộ môn Tiếng Anh nói riêng.

2.3. Những ưu điểm và nhược điểm của phương thức xét tuyển bằng bài thi năng lực, chứng chỉ

*Ưu điểm:

- Học sinh có nhiều lựa chọn hơn khi xem xét phương thức nào sẽ có lợi cho mình hơn, và đặc biệt: các em không bỏ phí những kiến thức đã được học, nhất là những em có khả năng học đều tất cả các môn.

- Chất lượng thí sinh đầu vào của các trường top được quản lý chặt chẽ do yêu cầu, cách ra đề thi riêng sẽ phù hợp với trình độ và tiêu chí của mỗi trường.

- Việc yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học… khi xét tuyển cũng là bước tạo tiền đề và điều kiện thuận lợi cho các em học sinh khi tham gia giảng đường đại học và công việc sau này: được miễn học phần môn tiếng Anh, thêm vào CV về kĩ năng chuyên môn…

- Các bài đánh giá năng lực và tư duy được dàn trải đều kiến thức, các môn học được liên môn logic sẽ khiến thúc đẩy học sinh có kiến thức toàn diện và bao quát hơn, tránh việc học lệch và quên đi giá

*Nhược điểm:

- Học sinh có thể hoang mang khi lựa chọn phương thức xét tuyển nếu không được sự tư vấn phù hợp từ ban tuyển sinh, thầy cô giáo chủ nhiệm hoặc hoạt động hướng nghiệp không hiệu quả. Một phần lớn các em học sinh đã lựa chọn 4 phương thức xét tuyển cùng lúc: điểm thi tốt nghiệp THPT, bài thi ĐGNL, kiểm tra tư duy và cả các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như TOEFL iBT, IELTS, TOEIC, TCF, DELF, HSKK, HSK… Điều này vô hình chung gây ra tình trạng kiệt quệ về tinh thần và thể trạng, trường hợp xấu nhất có thể xảy ra là các em không đỗ vào trường mong muốn do không toàn tâm cho 1 – 2 phương thức thi nhất định.

2.4. Những ưu điểm và nhược điểm của phương thức xét tuyển bằng học bạ.

*Ưu điểm của việc xét học bạ:

- Học sinh có ý thức kỉ luật và động lực cố gắng phấn đấu trong quá trình học tại trường lớp.

- Những điểm số tích lũy của các em trở nên có giá trị và được ứng dụng vào thực tế, quyền lợi đáng có của mình.

- Thuận lợi trong việc xét tuyển đại học.

*Nhược điểm của việc xét học bạ:

- “Lạm phát” điểm học bạ: Điều này không chỉ tạo tâm lý chủ quan và ỷ lại cho các em học sinh do các em sẽ dần nhận ra vấn đề rằng: Điểm số và nỗ lực đối với học bạ chỉ là vấn đề tạm thời và việc “xin điểm” học bạ cũng rất dễ dãi. Từ đó gây áp lực lên giáo viên, những người đáng lẽ chỉ có nghĩa vụ dạy học, truyền tải kiến thức và kinh nghiệm, ý nghĩa sống thì giờ đây lại thêm một trọng trách “nghệ thuật sống”: phải nâng điểm cho học sinh.

GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DẠY VÀ HỌC MÔN TIẾNG ANH TRONG TÌNH HÌNH MỚI

419833860_925388885686824_2751560529621006675_n(Học sinh lớp 12D1 nhận chứng chỉ IELTS năm học 2023-2024 của Trung tâm AMES)

Mỗi một phương thức xét tuyển sẽ có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Vậy để tận dụng được tối đa những ưu điểm và hạn chế được những nhược điểm này, chúng ta cần phải đưa ra được những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học các bộ môn KHXH, KHTN nói chung và của bộ môn Tiếng Anh nói riêng. Sau đây, chúng tôi xin đưa ra một số những giải pháp nhằm cải thiện chất lượng dạy và học môn Tiếng Anh.

1. Đối với nhà trường, giáo viên trực tiếp giảng dạy

a. Tìm hiểu và phân luồng đối tượng học sinh

Đây là giai đoạn quan trọng đầu tiên mà giáo viên cần thực hiện ngay những ngày đầu năm học. Trước hết, phải tìm hiểu kết quả tổng kết môn TA của HS ở năm học trước, sau đó tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của HS, đặc điểm tình hình lớp học, tình cảm, mức độ say mê yêu thích của HS đối với bộ môn. Đồng thời, GV dùng những câu hỏi gợi lại kiến thức đã học nhằm đánh giá sơ bộ về trình độ của HS trong các tiết ôn tập và kiểm tra đầu năm.

Dựa vào kết quả khảo sát, phân loại HS, chia ra cụ thể từng nhóm đối tượng HS theo lực học của các em thì tiến hành lập kế hoạch giảng dạy bộ môn. Từ tình hình thực tế, tổ bộ môn lập kế hoạch giảng dạy sẽ cụ thể, sát thực nội dung, định hướng ra đề của Bộ GD trong những năm gần đây, đáp ứng được như cầu của từng nhóm đối tượng HS với mục tiêu nâng cao chất lượng giảng dạy.

b. Hướng dẫn HS học tập bộ môn TA và giúp HS học tập đạt kết quả

Việc để giúp HS học tập có kết quả tốt cần phải thực hiện đồng bộ, theo chúng tôi cần có những giải pháp sau:

         Thứ nhất: GV phải đóng vai trò then chốt, bởi vì GV là người quyết định rất nhiểu đến sự thành công trong công việc học tập của các em. Phải đồng bộ giữa các cấp học từ tiểu học đến THPT. Việc phân loại HS, soạn giảng theo đúng đối tượng, ra đề kiểm tra có tính phân hóa, kiếm tra đánh giá nghiêm túc, khách quan. GV cần động viên, khích lệ tinh thần học tập của các em một cách kịp thời để HS có niềm yêu thích với bộ môn TA.

          Thứ hai: Việc tăng cường tự học, tự trau dồi chuyên môn nghiệp vụ của GV đứng lớp cực kì quan trọng. Việc dự giờ đồng nghiệp là một công việc học tập thường xuyên trong nhà trường. Nếu công việc này được đầu tư nghiêm túc bài dạy từ phía người thao giảng và sự góp ý nhiệt tình, thẳng thắn của người dự giờ thì cả người dạy và người dự sẽ rút ra được những kinh nghiệm hay cho mình để áp dụng cụ thể cho việc giảng dạy của từng lớp, vì đối tượng HS cơ bản là như nhau.

          Thứ ba: Ngoài bài dạy trong một tiết học thì việc hướng dẫn HS nhiệm vụ học tập ở nhà rất quan trọng. GV phải hướng dẫn kì cho HS ôn lại những kiến thức trọng tâm nào trong bài học, giao những bài tập củng cố vừa sức cho HS để HS có thể làm được, tránh việc hs làm bài một cách đối phó như làm bừa, chép bài bạn hoặc chép đáp án trên mạng. Bên cạnh đó, GV cần hướng dẫn cho HS soạn bài mới trước khi đến lớp. Theo phương pháp dạy học mới là phải lấy HS làm trung tâm, HS cần chủ động chiếm lĩnh tri thức của một bài học, công việc chuẩn bị bài mới của HS phải thật chu đáo để HS có hứng thú học tập và dễ tiếp thu bài hơn. Chính vì vậy, việc dành một thời lượng phù hợp để dặn dò và giao nhiệm vụ ở nhà cho HS là rất cần thiết trong phân phối thời gian của một tiết trên lớp.

          Thứ tư: Tạo môi trường giao tiếp Tiếng Anh cho HS từ trong sách ra thực tiễn. Hiện nay, HS còn mang nặng vấn đề học tập để thi cử, kiểm tra chứ các em chưa thực sự coi việc TA để giao tiếp. Vì vậy, HS cần phải có môi trường để giao tiếp, khi đó việc học TA của các em sẽ nhẹ nhàng và hiệu quả hơn. Việc thành lập các câu lạc bộ TA giữa các khối lớp thực sự cần thiết, từ đó HS có cơ hội không những luyện tập được tổng hợp các kỹ năng mà còn phát triển được kỹ năng Nghe và Nói một cách tự nhiên hơn. Ví dụ: tổ chức các CLB TA vào thứ 7 cuối mỗi tháng (Chơi các trò chơi, đóng kịch, nhe, nói, hát, thuyết trình theo chủ đề bằng TA); MC dẫn chương trình bằng TA … Ngoài ra, việc hình thành các phòng, góc học tập môn TA cũng là một giải pháp hay. Ta có thể tận dụng tối đa CSVC hiện có, xây dựng các góc học tập TA. Tích cực trang trí các phòng, góc học tập những khẩu hiệu bằng Tiếng Anh; sưu tầm những mẩu chuyện, câu chuyện cười, thơ lục bát bằng TA. Tận dụng mọi không gian để tạo không khí, môi trường học TA: Các khẩu hiệu trên sân trường, lớp học, hành lang … đều sử dụng cả Tiếng Việt và Tiếng Anh. Sử dụng bản đồ tư duy theo chủ đề, chủ điểm, cấu trúc ngữ pháp treo ở những vị trí học sinh dễ quan sát để tạo điều kiện cho HS được học ở mọi lúc, mọi nơi.

419864815_925388782353501_6434590308615299516_n(Học sinh Dương Gia Bảo lớp 12D1 - thủ khoa đầu ra lớp IELTS với thành tích 7.5

phát biểu chia sẻ kinh nghiệm học tiếng Anh với các em học sinh khối 11)

z5098697878277_2424a32607537a36dafc1a8a71e42e39

z5098698375601_ee13bdac3434d0bc77d12c6454af4243

z5098698978631_3a112c19a460577efc8647408a62be43

(Một số hình ảnh giao lưu học sinh với các thầy cô GV ngoài NN)

hanoi
tuynesinh2024_levanthiem_2025
z5327304660166_525c7a4e72a9cdefcd8b67b07eda85dcz5327304656766_ea1fb43fdaca7a7921c019ef0dd75fc1

TRƯỜNG THPT LÊ VĂN THIÊM - HÀ NỘI

icon1 Số 44, Ô Cách, Đức Giang, Long Biên, Hà Nội
icon_phone Điện thoại 0243 6526 110 - 0243 877 2156 

icon4 Email: thptlevanthiem@gmail.com
icon5 Vui lòng ghi rõ nguồn "thpt-levanthiem.edu.vn" khi phát hành lại thông tin từ website
 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 8
Trong ngày: 115
Trong tuần: 1135
Lượt truy cập: 1405861
Website is designed at tnweb.vn